Thời điểm lập hóa đơn xuất khẩu hàng hóa từ ngày 01/6/2025?

Thời điểm lập hóa đơn xuất khẩu hàng hóa theo Nghị định 70 như thế nào?

Thời điểm lập hóa đơn xuất khẩu hàng hóa từ ngày 1/6/2025?

Ngày 20/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

Theo đó, căn cứ điểm a khoản 6 Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm lập hóa đơn xuất khẩu hàng hóa như sau:

Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán, chuyển nhượng tài sản công và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Đối với xuất khẩu hàng hóa (bao gồm cả gia công xuất khẩu), thời điểm lập hóa đơn thương mại điện tử, hóa đơn giá trị gia tăng điện tử hoặc hóa đơn bán hàng điện tử do người bán tự xác định nhưng chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày hàng hóa được thông quan theo quy định pháp luật về hải quan.

10 Phep Lich Su Tren Ban An 3235 1477362532
Thời điểm lập hóa đơn xuất khẩu hàng hóa từ ngày 1/6/2025? (Hình từ Internet)

Khi nào hàng hóa được thông quan?

Theo quy định tại Điều 37 Luật Hải quan 2014 thì hàng hóa được thông quan sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan:

– Trường hợp người khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa nộp, nộp chưa đủ số thuế phải nộp trong thời hạn quy định thì hàng hóa được thông quan khi được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp hoặc được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
– Trường hợp chủ hàng hóa bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan bằng hình thức phạt tiền và hàng hóa đó được phép xuất khẩu, nhập khẩu thì hàng hóa có thể được thông quan nếu đã nộp phạt hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền phải nộp để thực hiện quyết định xử phạt của cơ quan hải quan hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chú ý:

– Đối với hàng hóa phải kiểm tra, phân tích, giám định để xác định có đủ điều kiện được xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan hải quan chỉ thực hiện thông quan hàng hóa sau khi xác định hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu trên cơ sở kết luận kiểm tra, phân tích, giám định hoặc thông báo miễn kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
– Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp; hàng hóa chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng; túi ngoại giao, túi lãnh sự, hành lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ được thông quan theo quy định tại Điều 50 và Điều 57 của Luật Hải quan 2014.

Lưu ý: Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật Hải quan 2014 đối với hàng hóa, phương tiện vận tải (khoản 23 Điều 4 Luật Hải quan 2014).

Hành vi không xuất hóa đơn bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ quy định tại Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP cụ thể:

Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
b) Không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định, trừ hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập hóa đơn theo quy định đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 4, khoản 5 Điều này khi người mua có yêu cầu.

Như vậy, hành vi không xuất hóa đơn thì bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định.
– Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải lập hóa đơn theo quy định nếu người mua yêu cầu.

Lưu ý:

– Mức phạt tiền kể trên áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức (Căn cứ khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP).
– Đối với cùng một hành vi, mức phạt đối với cá nhân sẽ bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức (Căn cứ khoản 5 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP).

Bài viết liên quan