Thanh tra thuế là gì? Thẩm quyền ra quyết định thanh tra thuế thuộc về ai?
Như thế nào là thanh tra thuế?
Hiện nay, pháp luật chưa có định nghĩa về thanh tra thuế, tuy nhiên dựa trên Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản liên quan khác thì có thể hiểu thanh tra thuế là hoạt động của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế, xác minh và thu thập chứng cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế dựa trên cơ sở phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế.
Mục đích của việc thanh tra thuế là nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, thông tin, hồ sơ mà người nộp thuế đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan của người nộp thuế để xử lý về thuế theo quy định của pháp luật. (căn cứ tại khoản 5 Điều 107 Luật Quản lý Thuế 2019)

Thanh tra thuế trong những trường hợp nào?
Căn cứ tại Điều 113 Luật Quản lý Thuế 2019 quy định cụ thể trường hợp thanh tra thuế như sau:
Các trường hợp thanh tra thuế
- Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
- Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.
- Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế.
- Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.
Như vậy, có 4 trường hợp thanh tra thuế bao gồm:
– Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
– Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.
– Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế.
– Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.
Thẩm quyền ra quyết định thanh tra thuế thuộc về ai?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 114 Luật Quản lý Thuế 2019 quy định:
Quyết định thanh tra thuế
- Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp có thẩm quyền ra quyết định thanh tra thuế.
…
Như vậy, Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp có thẩm quyền ra quyết định thanh tra thuế.
Đồng thời, căn cứ tại Điều 116 Luật Quản lý Thuế 2019, người ra quyết định thanh tra thuế còn có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
– Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đoàn thanh tra thuế thực hiện đúng nội dung, quyết định thanh tra thuế;
– Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thuế cung cấp thông tin, tài liệu đó;
– Trưng cầu giám định về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
– Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
– Quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý kết quả thanh tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử lý về thanh tra thuế;
– Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra thuế, các thành viên khác của đoàn thanh tra thuế;
– Đình chỉ, thay đổi trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra khi không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc khi phát hiện trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có liên quan đến đối tượng thanh tra hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra;
– Kết luận về nội dung thanh tra thuế;
– Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết;
– Áp dụng các biện pháp quy định tại các điều 121, 122 và 123 Luật Quản lý Thuế 2019;
– Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của Thủ trưởng cơ quan Thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.
Lưu ý: Khi thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn nêu trên, người ra quyết định thanh tra thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.