Phải xác thực qua VNeID để khẳng định số thuê bao di động chính chủ? Giấy tờ sử dụng để đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất? Phí quyền hoạt động viễn thông là gì?
Phải xác thực qua VNeID để khẳng định số thuê bao di động chính chủ?
Ngày 14 tháng 3 năm 2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2025 đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo.
Trong đó, việc số thuê bao di động phải xác thực qua VNeID để khẳng định thuê bao chính chủ được đề cập tại Phụ lục Đôn đốc các nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương trong triển khai đề án 06 năm 2025 được ban hành kèm theo Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương điều chỉnh quy trình nghiệp vụ, cho phép sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử tương đương với giấy tờ giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính, không yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, phải sao y, công chứng (như Bộ Công an và Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã triển khai trong thời gian vừa qua).
Người dân sử dụng tài khoản VNeID mức 2 để mở tài khoản ngân hàng, số thuê bao di động phải xác thực qua VNeID để khẳng định thuê bao chính chủ. Dữ liệu đã số hóa của các bộ, ngành, địa phương phải đẩy vào VNeID để tạo lập ví giấy tờ, phục vụ Luật Giao dịch điện tử sử dụng giấy tờ điện tử tương đương với giấy tờ giấy với thời gian hoàn thành là Quý 1 năm 2025.
Như vậy, phải xác thực qua VNeID để khẳng định số thuê bao di động chính chủ (sử dụng tài khoản VNeID mức 2) theo Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2025 của Chính phủ, quá trình này sẽ hoàn thành trong Quý 1 năm 2025.

Phải xác thực qua VNeID để khẳng định số thuê bao di động là chính chủ? (Hình từ Internet)
Giấy tờ sử dụng để đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất?
Theo Điều 17 Nghị định 163/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Viễn thông 2023 quy định các giấy tờ sử dụng để đăng ký thông tin thuê bao di động mặt đất như sau:
(1) Trường hợp đăng ký số thuê bao viễn thông dùng cho dịch vụ viễn thông di động mặt đất thực hiện phương thức giao tiếp giữa người với người (số thuê bao di động H2H):
– Đối với người có quốc tịch Việt Nam: Giấy tờ tuỳ thân (bao gồm thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước công dân hoặc căn cước điện tử hoặc tài khoản định danh điện tử (VNeID) hoặc các giấy tờ khác có thể sử dụng để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật) còn thời hạn sử dụng và doanh nghiệp viễn thông có thể truy cập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tham chiếu, xác thực thông tin thuê bao theo quy định tại Điều 18 Nghị định Nghị định 163/2024/NĐ-CP.
– Đối với người có quốc tịch nước ngoài: Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng ở Việt Nam theo thị thực nhập cảnh hoặc theo thời hạn lưu trú tối đa với các nước được miễn thị thực hoặc tài khoản định danh điện tử theo quy định của pháp luật.
– Đối với người trúng đấu giá số thuê bao di động H2H: Ngoài các giấy tờ quy định tại điểm a khoản này, thì phải xuất trình giấy tờ theo quy định của pháp luật về quản lý kho số viễn thông để xác nhận quyền sở hữu số thuê bao trúng đấu giá.
– Trường hợp tổ chức đăng ký thông tin thuê bao: Mỗi cá nhân thuộc tổ chức được giao sử dụng SIM thuê bao phải thực hiện việc đăng ký, xác thực thông tin thuê bao.
(2) Trường hợp đăng ký số thuê bao viễn thông dùng cho dịch vụ viễn thông di động mặt đất không thực hiện phương thức giao tiếp giữa người với người:
– Đối với cá nhân: theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 163/2024/NĐ-CP.
– Đối với tổ chức: Giấy tờ chứng minh pháp nhân theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc giấy tờ đăng ký thành lập tổ chức theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là giấy tờ tổ chức) và giấy tờ tuỳ thân của người đại diện theo pháp luật của tổ chức.
– Trường hợp người đến đăng ký thông tin thuê bao không phải là người đại diện theo pháp luật của tổ chức thì phải xuất trình văn bản ủy quyền hợp pháp của người đại diện theo pháp luật và giấy tờ tùy thân của mình.
(3) Đối với người chưa đủ 6 tuổi hoặc chưa được cấp các giấy tờ tùy thân quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 163/2024/NĐ-CP, việc đăng ký thông tin thuê bao phải do cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện.
– Đối với người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi và đã được cấp các giấy tờ tùy thân quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 163/2024/NĐ-CP, được đăng ký thông tin thuê bao nhưng phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ thể hiện bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng khác kiểm chứng được.
Ngoài giấy tờ xuất trình theo quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 163/2024/NĐ-CP, cha, mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ theo quy định của pháp luật.
Phí quyền hoạt động viễn thông là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Viễn thông 2023 có nêu định nghĩa cụ thể như sau:
Phí quyền hoạt động viễn thông
1. Phí quyền hoạt động viễn thông là khoản tiền mà tổ chức, doanh nghiệp hoạt động viễn thông trả cho Nhà nước để được quyền thiết lập mạng, cung cấp dịch vụ viễn thông. Phí quyền hoạt động viễn thông được xác định trên cơ sở phạm vi, quy mô mạng viễn thông, doanh thu dịch vụ viễn thông; số lượng và giá trị tài nguyên viễn thông được phân bổ; mức sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển để thiết lập mạng viễn thông, xây dựng công trình viễn thông.
2. Tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phí quyền hoạt động viễn thông theo một trong các hình thức sau đây:
a) Nộp hằng năm theo mức cố định;
b) Nộp một lần theo mức cố định cho toàn bộ thời hạn của giấy phép viễn thông.
Như vậy, có thể hiểu phí quyền hoạt động viễn thông là khoản tiền tổ chức, doanh nghiệp phải trả cho Nhà nước để được cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông.
Mức phí này được tính dựa trên phạm vi, quy mô mạng lưới, doanh thu từ dịch vụ viễn thông, số lượng và giá trị tài nguyên viễn thông được cấp, cũng như mức độ sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển để xây dựng hạ tầng viễn thông.
Tổ chức, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai phương thức nộp phí sau:
– Đóng phí hằng năm với mức cố định;
– Nộp một lần với mức cố định cho toàn bộ thời hạn hiệu lực của giấy phép viễn thông.