Mã số thuế trạng thái 07 là gì? Điều kiện và thủ tục phá sản doanh nghiệp hiện nay?
Mã số thuế trạng thái 07 là gì?
Mã số thuế trạng thái 07 của doanh nghiệp được hiểu là “Người nộp thuế chờ làm thủ tục phá sản”. Đây là trạng thái cho biết rằng doanh nghiệp đang trong quá trình làm thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 86/2024/TT-BTC quy định về danh mục trạng thái mã số thuế trong đó có thông tin của mã sô thuế trạng thái 07, cụ thể như sau:
Mã lý do |
Tên lý do |
Nội dung của trạng thái MST/Thông tin chi tiết của MST |
01 |
Tòa án ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản | Tòa án ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã gửi cơ quan thuế |
Trên đây là thông tin về “Mã số thuế trạng thái 07 là gì?”
Doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện nào để có thể coi là phá sản?
Căn cứ Điều 214 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 quy định giải thích từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
2. Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Như vậy, để được công nhận là phá sản, doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời cả 02 điều kiện sau:
– Mất khả năng thanh toán;
– Bị Tòa án nhân dân tuyên bố phá sản.
Trong đó, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Mã số thuế trạng thái 07 là gì? Điều kiện và thủ tục phá sản doanh nghiệp hiện nay? (Hình từ Internet)
Thủ tục phá sản của doanh nghiệp quy định như thế nào?
Thủ tục phá sản của doanh nghiệp sẽ được thực hiện dựa trên quy định của Luật Phá sản 2014, cụ thể các bước cơ bản sau:
Bước 1: Người có đủ điều kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014 gửi đơn yêu cầu đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Chánh án Tòa án nhân dân phân công một Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. (Căn cứ Điều 31 Luật Phá sản 2014)
Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét và xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. (Căn cứ Điều 32 Luật Phá sản 2014)
Bước 4: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Tòa án nhân dân dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản và thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản. (Căn cứ Điều 38 Luật Phá sản 2014)
Bước 5: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thực hiện việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản. (Căn cứ Điều 38 Luật Phá sản 2014)
Bước 6: Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản.
Trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm thụ lý được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ. (Căn cứ Điều 39 Luật Phá sản 2014)
Bước 7: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án nhân dân phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và doanh nghiệp. (Căn cứ Điều 40 Luật Phá sản 2014)
Bước 8: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản
Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. (Căn cứ Điều 42 Luật Phá sản 2014)
Bước 9: Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn mất khả năng thanh toán.
Bước 10: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản như thanh lý tài sản phá sản hoặc phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.