Làm thế nào để kiểm tra doanh nghiệp còn hoạt động không? 7 tình trạng pháp lý doanh nghiệp mới nhất là gì?
Làm thế nào để biết doanh nghiệp còn hoạt động hay không?
Hiện nay, để kiểm tra doanh nghiệp còn hoạt động không có thể tra cứu online theo 03 cách sau:
CÁCH 1: Tra cứu tình trạng hoạt động của doanh nghiệp trên trang Mã Số Thuế của Thư Viện Pháp Luật
Bước 1: Truy cập vào trang Mã Số Thuế của Thư Viện Pháp Luật theo Địa chỉ: https://thuvienphapluat.vn/ma-so-thue
Bước 2: Nhập mã số thuế vào ô tìm kiếm
Tại ô tìm kiếm, chọn tab Mã số thuế, nhập mã số thuế của doanh nghiệp muốn tra cứu, ngoài ra cũng có thể thêm các điều kiện tìm kiếm như Ngày cấp MST, Ngày đóng MST, Vốn điều lệ, Loại hình pháp lý, Ngành nghề chính, Trụ sở chính tại.
Bước 3: Xem kết quả
Màn hình hiển thị ra các doanh nghiệp theo yêu cầu tìm kiếm, nhấn vào doanh nghiệp muốn xem thông tin, màn hình sẽ hiển thị các thông tin chi tiết của doanh nghiệp đó gồm: mã số thuế, tên quốc tế, tên viết tắt, loại hình pháp lý, ngày cấp mã số thuế, tình trạng hoạt động, địa chỉ trụ sở, đại diện Pháp luật, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh,…
CÁCH 2: Tra cứu tình trạng hoạt động của doanh nghiệp trên trang Tổng Cục Thuế
Bước 1: Truy cập vào trang Tổng cục Thuế theo Địa chỉ: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/
Bước 2: Nhập mã số thuế vào ô tìm kiếm
Nhập mã số thuế của doanh nghiệp cần tra cứu, nhập mã xác nhận và nhấn Tra cứu.
Bước 3: Xem kết quả
Kết quả hiên thị các thông tin cơ bản về doanh nghiệp như: Mã số thuế, tên doanh nghiệp, cơ quan thuế, số CMND/thẻ căn cước của người đại diện doanh nghiệp, ngày thay đổi thông tin gần nhất, tình trạng hoạt động.
CÁCH 3: Tra cứu tình trạng hoạt động của doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp
Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp
Địa chỉ: dangkykinhdoanh.gov.vn
Bước 2: Nhập mã số thuế vào ô tìm kiếm
Tại ô tìm kiếm, chọn “Tìm doanh nghiệp”, nhập mã số thuế hoặc mã số doanh nghiệp hoặc tên doanh nghiệp.
Sau khi nhập thông tin, hệ thống sẽ đề xuất các kết quả liên quan từ khóa tìm kiếm và bấm chọn vào doanh nghiệp cần tra cứu
Bước 3: Nhập capcha
Màn hình hiển thị yêu cầu nhập capcha, tick vào “I’m not a robot” và nhấn “Submit”.
Bước 4: Xem kết quả
Kết quả hiển thị là thông tin doanh nghiệp như tên doanh nghiệp, tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài, tên doanh nghiệp viết tắt, tình trạng hoạt động, loại hình, ngày thành lập, người đại diện theo pháp luật,…
7 tình trạng pháp lý doanh nghiệp là gì?
Theo Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định 7 tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp năm 2025 như sau:
(1) “Tạm ngừng kinh doanh”
Là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020.
Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
(2) “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký”
Là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp mà qua công tác kiểm tra, xác minh của Cơ quan quản lý thuế và các đơn vị có liên quan không tìm thấy doanh nghiệp tại địa chỉ đã đăng ký.
Thông tin về doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký do Cơ quan quản lý thuế cung cấp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Việc thay đổi, cập nhật, thời điểm chuyển tình trạng pháp lý và kết thúc tình trạng pháp lý do Cơ quan quản lý thuế quyết định.
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm cung cấp, cập nhật tình trạng pháp lý “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký” của doanh nghiệp tới Cơ quan đăng ký kinh doanh qua Hệ thống thông tin đăng ký thuế kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện ghi nhận, cập nhật tình trạng pháp lý do Cơ quan quản lý thuế cung cấp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
(3) “Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế”
Là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế về thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế” là ngày Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế” là ngày Phòng Đăng ký kinh doanh khôi phục lại tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên cơ sở văn bản đề nghị của Cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
(4) “Đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập”
Là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã có nghị quyết, quyết định giải thể theo khoản 3 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020; doanh nghiệp đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế; doanh nghiệp bị giải thể theo quyết định của Tòa án theo khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020; doanh nghiệp đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập và đang làm thủ tục quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập.
Thời gian xác định chuyển tình trạng pháp lý “Đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập” là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; công ty được chia, công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập được cấp đăng ký doanh nghiệp trên cơ sở chia, hợp nhất, sáp nhập công ty.
(5) “Đang làm thủ tục phá sản”
Là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã có quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản.
Thời gian xác định chuyển tình trạng pháp lý “Đang làm thủ tục phá sản” là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
(6) “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại”
Là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể theo quy định và được Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý theo khoản 8 Điều 208, khoản 5 Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020; doanh nghiệp có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản; doanh nghiệp bị chấm dứt tồn tại do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập theo khoản 5 Điều 198, khoản 5 Điều 200, khoản 4 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020.
Thời gian xác định chuyển tình trạng pháp lý “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại” là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
(7) “Đang hoạt động”
Là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà không thuộc tình trạng pháp lý quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Sử dụng mã giao dịch điện tử để tra cứu thông tin giao dịch với cơ quan thuế được không?
Căn cứ tại Điều 34 Thông tư 19/2021/TT-BTC quy định về tra cứu thông tin của người nộp thuế:
Tra cứu thông tin của người nộp thuế:
1. Người nộp thuế sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu, xem, in toàn bộ thông tin về hồ sơ, chứng từ, thông báo, quyết định, văn bản đã nhận/gửi giữa cơ quan thuế và người nộp thuế; tra cứu nghĩa vụ kê khai, tra cứu thông tin nghĩa vụ theo hồ sơ, chứng từ, quyết định; tra cứu số thuế còn phải nộp. Các thông tin của các thông báo, quyết định, văn bản của cơ quan thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế có giá trị xác nhận như văn bản bằng giấy của cơ quan thuế.
Người nộp thuế có thể tra cứu tình hình xử lý hồ sơ thuế điện tử theo mã giao dịch điện tử, riêng chứng từ nộp NSNN thì tra cứu theo “số tham chiếu”.
2. Người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử, sử dụng mã giao dịch điện tử được cấp theo từng lần để tra cứu thông tin đã giao dịch với cơ quan thuế.
3. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thông báo trên tài khoản giao dịch thuế điện tử của người nộp thuế do Tổng cục Thuế cấp về tình hình xử lý các khoản phải nộp, đã nộp, còn phải nộp, nộp thừa, miễn, giảm/xóa nợ, được hoàn, còn được hoàn phát sinh trong tháng trước và các khoản còn phải nộp, nộp thừa đến thời điểm cuối tháng trước đã được ghi nhận trong hệ thống ứng dụng quản lý thuế.
Như vậy, người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử, sử dụng mã giao dịch điện tử được cấp theo từng lần để tra cứu thông tin đã giao dịch với cơ quan thuế.
Ngoài ra, người nộp thuế có thể tra cứu tình hình xử lý hồ sơ thuế điện tử theo mã giao dịch điện tử, riêng chứng từ nộp NSNN thì tra cứu theo “số tham chiếu”.