Hướng dẫn điền Tờ khai thuế cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh?

Hướng dẫn điền Tờ khai thuế cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh? Hướng dẫn viết Tờ khai thuế cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh?

Hồ sơ đăng ký thuế lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan nhà nước?

Theo Điều 31 Luật Quản lý thuế 2019, hồ sơ đăng ký thuế lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan nhà nước bao gồm:

– Tờ khai đăng ký thuế;
– Bản sao giấy phép thành lập và hoạt động, quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ tương đương khác do cơ quan có thẩm quyền cấp phép còn hiệu lực;
– Các giấy tờ khác có liên quan.

Hướng dẫn điền Tờ khai thuế cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh?

Theo Thông tư 86/2024/TT-BTC, Tờ khai thuế cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, là Mẫu số 03-ĐK-TCT

Tải về Mẫu số 03-ĐK-TCT

Mẫu số 03-ĐK-TCT, Tờ khai thuế cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh được hướng dẫn điền như sau:

Đầu tiên, người nộp thuế phải tích chọn vào một trong các ô thích hợp trước khi kê khai vào phần thông tin chi tiết

– Hộ gia đình kinh doanh
– Cá nhân kinh doanh
– Cá nhân kinh doanh của nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu

Tiếp theo, điền phần thông tin cá nhân/chủ hộ kinh doanh như sau:

– Trường hợp cá nhân/đại diện hộ gia đình là người Việt Nam thì kê khai vào các chỉ tiêu từ 1 đến 5 bên dưới:

(1) Họ và tên: Ghi rõ ràng, đầy đủ bằng chữ in hoa tên cá nhân/đại diện hộ gia đình đăng ký thuế.

(2) Ngày, tháng, năm sinh: Ghi rõ ngày, tháng, năm sinh của cá nhân/đại diện hộ gia đình đăng ký thuế.

(3) Số định danh cá nhân: Ghi số định danh của cá nhân/đại diện hộ gia đình đăng ký thuế.

Lưu ý: Cá nhân/đại diện hộ gia đình phải kê khai các thông tin về họ và tên, ngày tháng năm sinh, số định danh cá nhân của mình chính xác so với các thông tin được lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

(4) Điện thoại liên hệ: Ghi chính xác số điện thoại của cá nhân/đại diện hộ gia đình (nếu có).

(5) Email: Ghi chính xác địa chỉ email cá nhân/đại diện hộ gia đình (nếu có).

– Trường hợp cá nhân tà người có quốc tịch nước ngoài hoặc là người có quốc tịch Việt Nam đang sống tại nước ngoài không có số định danh cá nhân thì kê khai vào các chỉ tiêu từ 1 đến 8 bên dưới:

(1) Họ và tên: Ghi rõ ràng, đầy đủ bằng chữ in hoa tên cá nhân đăng ký thuế.

(2) Ngày, tháng, năm sinh: Ghi rõ ngày, tháng, năm sinh của cá nhân đăng ký thuế.

(3) Giới tính: Tích vào 1 trong 2 ô Nam hoặc Nữ.

(4) Quốc tịch: Ghi rõ Quốc tịch của cá nhân đăng ký thuế.

(5) Giấy tờ pháp lý: tích chọn 1 trong các loại giấy tờ hộ chiếu/giấy thông hành/CMND biên giới/Giấy tờ chứng thực cá nhân khác còn hiệu lực của cá nhân và ghi rõ số, ngày cấp, thông tin “nơi cấp” chỉ ghi tỉnh, thành phố cấp.

(6) Địa chỉ thường trú: Ghi đầy đủ các thông tin về địa chỉ nơi thường trú của cá nhân

(7) Địa chỉ hiện tại: Ghi đầy đủ các thông tin về địa chỉ về nơi ở hiện tại của cá nhân (chỉ ghi khi địa chỉ này khác với địa chỉ nơi thường trú).

(8) Thông tin khác: Ghi số điện thoại, địa chỉ email (nếu có).

Thông tin đại lý thuế: Ghi đầy đủ các thông tin của đại lý thuế trong trường hợp Đại lý thuế ký hợp đồng với người nộp thuế để thực hiện thủ tục đăng ký thuế thay cho người nộp thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Kế đến, điền thông tin về địa điểm kinh doanh

Trường hợp người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh qua cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của Chính phủ về hộ kinh doanh thì kê khai các thông tin về hoạt động kinh doanh như sau:

(1) Tên cửa hàng/thương hiệu: Tên của cửa hàng hoặc thương hiệu của địa điểm kinh doanh.

(2) Địa chỉ kinh doanh:

– Trường hợp có hoạt động kinh doanh thường xuyên và địa điểm kinh doanh cố định; cá nhân cho thuê bất động sản thì ghi rõ địa chỉ kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoặc địa chỉ nơi cá nhân cho thuê bất động sản gồm: số nhà, đường phố/xóm/ấp/thôn, phường/xã/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố. Nếu có số điện thoại, số Fax thì ghi rõ mã vùng – số điện thoại/số Fax.
– Trường hợp có hoạt động kinh doanh thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú của cá nhân kinh doanh.

(3) Địa chỉ nhận thông báo thuế: Nếu có địa chỉ nhận các thông báo của cơ quan thuế khác với địa chỉ kinh doanh thì ghi rõ địa chỉ nhận thông báo thuế để cơ quan thuế liên hệ.

(4) Ngành nghề kinh doanh chính: Ghi 01 ngành nghề chính thực tế đang kinh doanh tại địa điểm kinh doanh.

(5) Ngày bắt đầu hoạt động: Ghi rõ ngày bắt đầu hoạt động của địa điểm kinh doanh.

(6) Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng (GTGT): Chọn một trong hai phương pháp tính thuế GTGT kê khai hoặc khoán.

* Phần người đại diện hộ gia đình/cá nhân kinh doanh ký, ghi rõ họ tên: Người đại diện hộ gia đình/cá nhân kinh doanh phải ký, ghi rõ họ tên vào phần này.

Nhân viên đại lý thuế: Trường hợp đại lý thuế kê khai thay cho người nộp thuế thì kê khai vào thông tin này.

khoa hoc ke toan xuat nhap khau
Hướng dẫn điền Tờ khai thuế cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh? (Hình từ Internet)

Thời hạn đăng ký thuế lần đầu của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh?

Căn cứ theo Điều 33 Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn đăng ký thuế lần đầu của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh được quy định như sau:

– Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thời hạn đăng ký thuế là thời hạn đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thời hạn đăng ký thuế là 10 ngày làm việc kể từ ngày sau đây:

+ Được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định thành lập;
+ Bắt đầu hoạt động kinh doanh đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh hoặc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
+ Phát sinh trách nhiệm khấu trừ thuế và nộp thuế thay; tổ chức nộp thay cho cá nhân theo hợp đồng, văn bản hợp tác kinh doanh;
+ Ký hợp đồng nhận thầu đối với nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài kê khai nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế; ký hợp đồng, hiệp định dầu khí;
+ Phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân;
+ Phát sinh yêu cầu được hoàn thuế;
+ Phát sinh nghĩa vụ khác với ngân sách nhà nước.

Bài viết liên quan