Thế nào là hóa đơn giá trị gia tăng và hóa đơn bán hàng? Phân biệt giữa hóa đơn giá trị gia tăng và hóa đơn bán hàng?
Hóa đơn giá trị gia tăng là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thì hóa đơn giá trị gia tăng hay còn gọi là hóa đơn VAT, hóa đơn đỏ, hóa đơn giá trị gia tăng là chứng từ được người bán lập, xuất cho người mua hàng hóa, dịch vụ nhằm ghi nhận giá trị hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp để phục vụ cho việc kê khai, nộp thuế GTGT.
Hóa đơn giá trị gia tăng dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:
– Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
– Hoạt động vận tải quốc tế;
– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
– Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

Hóa đơn bán hàng là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thì hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:
– Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:
+ Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa.
+ Hoạt động vận tải quốc tế.
+ Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu.
+ Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
– Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan.
Phân biệt hóa đơn giá trị gia tăng và hóa đơn bán hàng?
Căn cứ tại Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 và các văn bản hướng dẫn, có thể phân biệt hóa đơn bán hàng và hóa đơn giá trị gia tăng dựa trên các tiêu chí sau:
Tiêu chí | Hóa đơn giá trị gia tăng | Hóa đơn bán hàng |
Đối tượng áp dụng | – Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa; – Hoạt động vận tải quốc tế; – Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu; – Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài. |
– Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:
+ Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa; – Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”. |
Chữ ký | Hoá đơn GTGT có cả chữ ký của người bán hàng và chữ ký của người đại diện theo pháp luật. | Hoá đơn bán hàng chỉ có chữ ký của người bán hàng hoá. |
Thuế suất | Áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ | Áp dụng thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp |
Con dấu | Bắt buộc phải có dầu tròn của doanh nghiệp. | Có dấu vuông hoặc tròn thể hiện các thông tin của doanh nghiệp. |
Nội dung hóa đơn | – Ghi thuế suất và tiền thuế giá trị gia tăng.
– Tổng cộng tiền thanh toán là đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. |
Không ghi thuế suất và tiền thuế GTGT. |
Mẫu hóa đơn | Mẫu hóa đơn GTGT do cục Thuế phát hành – mẫu tham khảo số 6 ban hành kèm theo Thông tư 78/2021/TT-BTC. Tải về | Mẫu hóa đơn bán hàng do Cục Thuế phát hành – mẫu tham khảo số 7 ban hành kèm theo Thông tư 78/2021/TT-BTC. Tải về |
Sử dụng hóa đơn bán hàng có được trừ khi tính thuế TNDN không?
Căn cứ vào Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định như sau:
Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).
Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm Thông tư số 78/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì không phải điều chỉnh lại theo quy định tại Điểm này.
Như vậy, nếu doanh nghiệp có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì sẽ được tính vào chi phí hợp lý, không bắt buộc phải là hóa đơn giá trị gia tăng.
Nguồn: thuvienphapluat.vn