Doanh nghiệp là công ty liên kết của ngân hàng thì trong kỳ kê khai thuế TNDN năm 2024 cần lưu ý những gì?
Doanh nghiệp là công ty liên kết của ngân hàng thì trong kỳ kê khai thuế TNDN năm 2024 cần lưu ý những gì?
Căn cứ điểm m khoản 2 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 20/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 27/3/2025 và áp dụng kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 quy định:
Các bên có quan hệ liên kết
1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:
…
2. Tổ chức tín dụng với Công ty con hoặc với Công ty kiểm soát hoặc với Công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
…
Như vậy, kể từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 thì tổ chức tín dụng với Công ty con hoặc với Công ty kiểm soát hoặc với Công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có) được xác định là các bên có quan hệ liên kết.
Theo đó, trong trường hợp người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 Nghị định 132/2020/NĐ-CP có trách nhiệm kê khai, xác định giá giao dịch liên kết, không làm giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Người nộp thuế có trách nhiệm chứng minh việc thực hiện phân tích, so sánh và lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định này khi Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu quy định tại Điều 18 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
Trong trường hợp chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế thì được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 19 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Chi phí tính thuế đối với chi phí dịch vụ giữa các bên liên kết quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP, trừ các khoản chi quy định tại gạch đầu dòng thứ hai mục này, người nộp thuế được trừ các khoản chi phí dịch vụ vào chi phí tính thuế trong kỳ nếu đáp ứng đủ các điều kiện như sau:
– Dịch vụ được cung cấp có giá trị thương mại, tài chính, kinh tế và phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế; dịch vụ từ các bên liên kết được xác định đã cung cấp trong điều kiện hoàn cảnh tương tự các bên độc lập chi trả cho các dịch vụ này; phí dịch vụ được thanh toán trên cơ sở nguyên tắc giao dịch độc lập và phương pháp tính giá giao dịch liên kết hoặc phân bổ mức phí dịch vụ giữa các bên liên kết phải được áp dụng thống nhất trong toàn tập đoàn đối với loại hình dịch vụ tương tự và người nộp thuế phải cung cấp hợp đồng, chứng từ, hóa đơn và thông tin về phương pháp tính, yếu tố phân bổ và chính sách giá của tập đoàn đối với dịch vụ được cung cấp.
Trường hợp liên quan đến các trung tâm thực hiện chức năng chuyên môn hóa và hợp lực tạo giá trị tăng thêm của tập đoàn, người nộp thuế phải xác định tổng giá trị tạo ra từ các chức năng này, xác định mức phân bổ lợi nhuận phù hợp với giá trị đóng góp của các bên liên kết sau khi đã trừ (-) mức phí dịch vụ tương ứng cho bên liên kết thực hiện chức năng điều phối, cung cấp dịch vụ của giao dịch độc lập có tính chất tương đồng.
– Chi phí dịch vụ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: Chi phí phát sinh từ các dịch vụ được cung cấp chỉ nhằm mục đích phục vụ lợi ích hoặc tạo giá trị cho các bên liên kết khác; dịch vụ phục vụ lợi ích cổ đông của bên liên kết; dịch vụ tính phí trùng lắp do nhiều bên liên kết cung cấp cho cùng một loại dịch vụ, không xác định được giá trị gia tăng cho người nộp thuế; dịch vụ về bản chất là các lợi ích người nộp thuế nhận được do là thành viên của một tập đoàn và chi phí mà bên liên kết cộng thêm đối với dịch vụ do bên thứ ba cung cấp thông qua trung gian bên liên kết không đóng góp thêm giá trị cho dịch vụ.
Nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết?
Căn cứ khoản 5 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về nguyên tắc khai thuế, tính thuế như sau:
Nguyên tắc khai thuế, tính thuế
…
5. Nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết được quy định như sau:
a) Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập;
b) Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế;
c) Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định tại điểm a, điểm b khoản này và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.
…
Như vậy, nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết như sau:
– Kê khai và xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập
– Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế
– Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp sẽ được miễn thực hiện quy định nêu trên và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.