Điểm mới về hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo Nghị định 70?

Điểm mới về hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo Nghị định 70? Đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo Nghị định 70? Lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế?

Điểm mới về hóa đơn điện tử từ máy tính tiền được bổ sung theo Nghị định 70?

Ngày 20/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2025 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

Căn cứ vào Điều 2 Nghị định 123/2020/NĐ-CP giải thích về hóa đơn điện tử như sau:

Giải thích từ ngữ

1. Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, trong đó:
a) Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.
Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.
b) Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.

Đồng thời, khoản 2 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP bổ sung thêm điểm c, điểm d Điều 2 Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ

2. Bổ sung điểm c, điểm d vào khoản 2; sửa đổi, bổ sung khoản 5, khoản 11, khoản 12 và bổ sung khoản 14 vào Điều 3 như sau:
c) Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế (sau đây gọi là hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền) là hóa đơn có mã của cơ quan thuế hoặc dữ liệu điện tử để người mua có thể truy xuất, kê khai thông tin hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập từ hệ thống tính tiền, dữ liệu được chuyển đến cơ quan thuế theo định dạng được quy định tại Điều 12 Nghị định này.
d) Máy tính tiền là hệ thống tính tiền bao gồm một thiết bị điện tử đồng bộ hoặc một hệ thống gồm nhiều thiết bị điện tử được kết hợp với nhau bằng giao dịch bán hàng, số liệu bán hàng.”

Như vậy, hóa đơn điện tử có thể chia thành 2 loại chính:

– Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế:

+ Được cơ quan thuế cấp mã trước khi gửi cho người mua.
+ Mã của cơ quan thuế bao gồm:
++ Số giao dịch: Một dãy số duy nhất do hệ thống thuế tạo ra.
++ Chuỗi ký tự mã hóa dựa trên thông tin của người bán.

– Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế:

+ Do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tự lập và gửi cho người mua.
+ Không cần có mã xác thực từ cơ quan thuế.

Theo đó, điểm mới về hóa đơn điện tử từ máy tính theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP được bổ sung thêm các nội dung như:

– Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là loại hóa đơn có mã của cơ quan thuế hoặc có dữ liệu điện tử giúp người mua có thể tra cứu và kê khai. Hóa đơn này được lập từ hệ thống tính tiền của người bán và tự động chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế theo định dạng quy định.
– Máy tính tiền là hệ thống hoặc thiết bị điện tử được sử dụng để tính tiền, quản lý giao dịch bán hàng và ghi nhận số liệu bán hàng.

hoa don dt nd70
Điểm mới về hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo Nghị định 70? (Hình từ Internet)

Đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo Nghị định 70?

Căn cứ theo khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi Điều 11 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền bao gồm:

Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 51 có mức doanh thu hằng năm từ 01 tỷ đồng trở lên, khoản 2 Điều 90, khoản 3 Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác); ăn uống; nhà hàng; khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim, dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam) sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Như vậy, các đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền gồm:

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 01 tỷ đồng/năm trở lên theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019.

– Doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, bao gồm:

+ Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác);
+ Cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn;
+ Dịch vụ vận tải hành khách, hỗ trợ vận tải đường bộ;
+ Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, chiếu phim, dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định ngành kinh tế.

Các đối tượng này phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và kết nối, chuyển dữ liệu trực tiếp đến cơ quan thuế theo quy định.

Lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế như thế nào?

Theo Điều 17 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ quy định:

(1) Lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế

– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng nêu tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này nếu truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để lập hóa đơn thì sử dụng tài khoản đã được cấp khi đăng ký để thực hiện:

+ Lập hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
+ Ký số trên các hóa đơn đã lập và gửi hóa đơn để cơ quan thuế cấp mã.

– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử thì truy cập vào trang thông tin điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử hoặc sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử của đơn vị để thực hiện:

+ Lập hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
+ Ký số trên các hóa đơn đã lập và gửi hóa đơn qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để cơ quan thuế cấp mã.

(2) Cấp mã hóa đơn căn cứ theo Điều 17 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:

– Hóa đơn được cơ quan thuế cấp mã phải đảm bảo:

+ Đầy đủ nội dung về hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
+ Đúng định dạng về hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
+ Đúng thông tin đăng ký theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
+ Không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

– Hệ thống cấp mã hóa đơn của Tổng cục Thuế tự động thực hiện cấp mã hóa đơn và gửi trả kết quả cấp mã hóa đơn cho người gửi.

(3) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm gửi hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế cho người mua. Phương thức gửi và nhận hóa đơn được thực hiện theo thỏa thuận giữa người bán và người mua, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Nguồn: thuvienphapluat.vn

Bài viết liên quan