Có thể thay đổi mức đóng BHXH khi tìm được việc mới lương cao hơn không?

Đăng ký HĐLĐ và tham gia đóng BHXH với mức lương thấp (5 triệu) mà tìm được việc làm mới, lương cao hơn để làm cùng lúc (20 triệu) thì có thể thay đổi mức đóng BHXH được không?

Có thể thay đổi mức đóng BHXH khi tìm được việc mới lương cao hơn (20 triệu) không?

Căn cứ khoản 1 Điều 42 Quy trình kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định có nội dung thay đổi mức đóng BHXH như sau:

Quản lý đối tượng

  1. Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.

Như vậy, đang ký HĐLĐ và tham gia BHXH với mức lương thấp (5 triệu) mà tìm được việc làm mới, lương cao hơn để làm cùng lúc (20 triệu) thì mức đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.

dang ky hdld tham gia
Có thể thay đổi mức đóng BHXH khi tìm được việc mới lương cao hơn (20 triệu) không? (Hình từ Internet)

Hồ sơ đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH và cấp sổ BHXH như thế nào?

Căn cứ Điều 23 Quy trình kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định hồ sơ đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH và cấp sổ BHXH như sau:

(1) Thành phần hồ sơ

– Người lao động

+ Đối với người lao động đang làm việc tại đơn vị: tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS Quyết định 595/QĐ-BHXH nưm 2017); trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.

+ Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Tiết a, c và d điểm 1.7 Khoản 1 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017: tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017); hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài hoặc HĐLĐ được gia hạn kèm theo văn bản gia hạn HĐLĐ hoặc HĐLĐ được ký mới tại nước tiếp nhận lao động theo hợp đồng.

– Đơn vị:

+ Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017).

+ Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017).

(2) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Các khoản phụ cấp phải đóng BHXH bao gồm những khoản nào?

Căn cứ tại Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH quy định:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được quy định như sau:

  1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động (sau đây được viết là Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH).

Phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

  1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con (sau đây viết tắt là Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH).

Ngoài ra, căn cứ Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

  1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.

  1. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Như vậy, các khoản phụ cấp phải đóng BHXH bao gồm:

– Phụ cấp chức vụ, chức danh
– Phụ cấp trách nhiệm
– Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
– Phụ cấp thâm niên
– Phụ cấp khu vực
– Phụ cấp lưu động
– Phụ cấp thu hút
– Các phụ cấp khác có tính chất tương tự (khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ)

Lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội 2014 áp dụng đến hết 30/6/2025 và được thay thế bởi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 từ 01/7/2025.

Bài viết liên quan