Hiện nay có bao nhiêu hàng thừa kế? Ví trí sắp xếp các hàng thừa kế như thế nào?
Có bao nhiêu hàng thừa kế? Ví trí sắp xếp như thế nào?
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hàng thừa kế như sau:
Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, có ba hàng thừa kế được quy định khi chia di sản thừa kế theo pháp luật. Trình tự để nhận thừa kế đối với ba hàng thừa kế này như sau:
– Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được ưu tiên hưởng thừa kế đối với phần di sản của người chết.
– Trường hợp hàng thừa kế thứ nhất không còn ai có thể nhận thừa kế vì nhiều lý do khác nhau, thì di sản sẽ được chia đều cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai.
– Tương tự, khi hàng thừa kế thứ hai không còn ai thì những người thuộc hàng thừa kế thứ ba mới được nhận di sản thừa kế của người đã chết.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp các hàng thừa kế này dựa trên mối quan hệ gần gũi nhất với người chết theo quan hệ gia đình chứ không chỉ là quan hệ huyết thống. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là những người có quan hệ gần gũi nhất với người chết.
Trong đó không phân biệt con ruột với con nuôi, ba mẹ ruột và ba mẹ nuôi. Hàng thừa kế thứ hai là những người có mối quan hệ gần gũi nhưng không thân thiết bằng những người ở hàng thừa kế thứ nhất và tương tự những người hàng thừa kế thứ ba sẽ không thân thiết hơn những người thuộc hàng thừa kế thứ hai.

Những trường hợp nào phải chia di sản thừa kế theo pháp luật?
Căn cứ theo Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Theo đó, di sản mà người chết để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật trong những trường hợp sau:
– Trường hợp không có di chúc.
– Trường hợp có di chúc, nhưng:
+ Di chúc không có giá trị pháp lý
+ Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế
+ Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
+ Phần di sản không được định đoạt trong di chúc.
+ Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật.
+ Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Người được nhận thừa kế có cần phải nộp thuế thu nhập cá nhân hay không?
Căn cứ khoản 9 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định như sau:
Các khoản thu nhập chịu thuế
…
Thu nhập từ nhận thừa kế
9. Thu nhập từ nhận thừa kế là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế, cụ thể như sau:
…
Theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ nhận thừa kế được coi là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Vậy nên, người nhận thừa kế sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với các tài sản mà họ thừa kế nếu các tài sản đó không thuộc đối tượng được miễn thuế theo quy định của pháp luật. Các loại di sản thừa kế phải nộp thuế bao gồm: Chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và những tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, căn cứ điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về thu nhập được miễn thuế như sau:
Các khoản thu nhập được miễn thuế
1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:
…
d) Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.
…
Theo đó, đối với phần di sản thừa kế là bất động sản, trong trường hợp tài sản này được chuyển nhượng giữa các thành viên trong gia đình thì người nhận thừa kế sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Cụ thể, các trường hợp được miễn thuế bao gồm: chuyển nhượng giữa vợ và chồng, giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ, giữa cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi, giữa cha chồng, mẹ chồng với con dâu, giữa cha vợ, mẹ vợ với con rể, giữa ông nội, bà nội với cháu nội, giữa ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại, và giữa anh chị em ruột với nhau.